728x90 AdSpace

Latest News

Được tạo bởi Blogger.
Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

VÕ SƯ ĐOÀN TÂM ẢNH VÀ MÔN PHÁI VÕ LÂM CHÁNH TÔNG.




Cố VÕ SƯ  ĐOÀN TÂM ẢNH
Nhờ vào sở học cộng bản tính thông minh lanh lợi, võ sư Đoàn Tâm Ảnh đã thu hút được nhiều thành phần trong xã hội đến thọ giáo, tập luyện, ông đặt tên môn phái là Võ Lâm Chánh Tông và mở thêm nhiều điểm tập ở các tỉnh miền Trung, miền Tây.
Võ sư Đoàn Tâm Ảnh tên thật là La Tô, biệt danh “Sáu nhỏ”, sinh năm 1900 tại Chợ Lớn - Sài Gòn, con của ông Tô Nghiêm và bà La Thị Muối. Ông là con trai út trong gia đình có 6 người con (5 gái, 1 trai), được cha mẹ gửi cho Mộc Đức thiền sư để tập luyện võ thuật, tăng cường sức khoẻ. Năm 1913 ông cùng Mộc Đức thiền sư sang Phi Lai Tự - Trung Quốc tu học Phật pháp và luyện tập võ công Côn Lôn Bắc phái (Côn Lôn hay Côn Luân là môn phái lớn cùng Không Động, Hoa Sơn, Nga Mi, ngang với Võ Đang và Thiếu Lâm). Ông được chân sư Thiếu Lâm là Bắc Phong hoà thượng truyền dạy võ công. Sau nhiều năm tu học và phiêu bạt, tranh tài quốc tế trên các võ đài Hong Kong, Thái Lan, Singapore, Mã Lai… ở thập niên 30. Năm 1951 ông trở về Việt Nam nhưng đến năm 1954 ông mới mở võ đường truyền dạy chính thức tại Cần Thơ.
Dưới sự dìu dắt của võ sư Đoàn Tâm Ảnh, có một số võ sư trước đây thành danh như nhóm đệ tử đầu tiên. Trong số các võ sư này, võ sư (giáo sư) Hàng Thanh và võ sư Bắc Phong Từ Võ Hạnh là những võ sư cao đẳng Taekwondo ITF. Môn phái lấy ngày 9 tháng Giêng kỷ niệm ngày thành lập và ngày mất của võ sư Đoàn Tâm Ảnh, 6 tháng 10 âm lịch hằng năm là ngày giỗ tổ. Năm 1999 nhân ngày chúc thọ, võ sư Đoàn Tâm Ảnh đã giao cho võ sư Nguyễn Thành Nghiêm kế thừa chưởng môn “Võ Lâm Chánh Tông Thập Bát La Hán Quyền”. Ngày 03 tháng 11 năm 2008 (6 tháng 10 năm Mậu Tý) võ sư Đoàn Tâm Ảnh qua đời, đại thượng thọ 109 tuổi.
Võ Lâm Chánh Tông có nhiều môn đệ giỏi, viết sách báo phổ biến những bài bản chân truyền của môn phái. Trước năm 1975, điều kiện nghiên cứu còn khó khăn, tài liệu ít ỏi, cơ sở vật chất và phương tiện in ấn thô sơ nhưng võ sư Đoàn Tâm Ảnh đã nổi tiếng bởi những bộ sách ra đời, đó là Thất thập nhị huyền công và Thập bát La hán quyền do giáo sư Hàng Thanh biên soạn, sau nối tiếp là võ sư Hồng Phong Văn Ngọc Thạch rồi đến Lạc Việt với Thập bát La hán quyền toàn tập.
Đặc điểm của Thất thập nhị huyền công là phần kỹ thuật căn bản khoa học, rõ ràng, giúp người trong môn phái tập luyện và người ngoài môn phái tham khảo, xây dựng kiến thức cho mình. Nhiều võ đường, võ phái mới sáng lập sau này đã dựa trên nguyên tắc của Thất thập nhị huyền công mà diễn thành phần căn bản cho riêng mình. Nhờ vào sách có nhiều người đã thụ giáo bằng phương pháp “ngoại khoá” mà nên danh. Thất thập nhị huyền công có thể hiểu là 72 đòn thế căn bản của Võ Lâm Chánh Tông, khác với Thất thập nhị huyền công là 72 tuyệt kỹ công phu của Thiếu Lâm Tự như: Thiết tý công, Thiết đầu công, Thiết sa chưởng, Mai hoa trang, Thiết ngưu công, Toàn phong chưởng, Nhu cốt công, Điểm thạch công, Nhứt chỉ kim cương pháp (Nhứt dương chỉ)…
Võ sư Đoàn Tâm Ảnh dựng bảng mở đường, lập môn phái ở tuổi 50, tuổi của “ngũ thập tri thiên mệnh”, không sớm như một số võ sư quá trẻ hôm nay. Võ sư Đoàn Tâm Ảnh quan niệm võ là thực chiến, không phải là tuồng, không phải là tiểu thuyết trừu tượng, không phải là vũ trường, không phải là xiếc đu dây, vì vậy võ không hư cấu, nếu võ hư cấu chẳng khác nào một hiệp sĩ khi chiến đấu tuốt gươm ra đợi ca hết một bản nhạc tình rồi mới đấu thì không còn là võ nữa và cao cả trên cả sự cao cả của võ là tinh thần thượng võ của người dạy võ, học võ, đó là võ đạo.
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Item Reviewed: VÕ SƯ ĐOÀN TÂM ẢNH VÀ MÔN PHÁI VÕ LÂM CHÁNH TÔNG. Description: Rating: 5 Reviewed By: Unknown
Scroll to Top